Cuộc cách mạng âm thanh trong thế giới PR

Tháng đầu tiên của năm 2021 chứng kiến những dấu hiệu cho thấy sự bùng nổ sắp tới của một cuộc cách mạng âm thanh. Vào năm nay, dự báo việc branding (xây dựng thương hiệu) cũng sẽ tập trung vào việc khai thác thế mạnh của âm thanh.

David Ciccarelli, giám đốc điều hành tại Voices.com – thị trường lớn nhất thế giới về âm thanh và giọng nói qua các sản phẩm và dịch vụ, đã phát biểu: “Thị trường đang bão hòa về mặt thị giác và chuyển dần sang thính giác”.

Con người đang mệt mỏi vì phải dán mắt vào màn hình máy tính làm việc mỗi ngày, họ có xu hướng dành nhiều thời gian hơn cho những trải nghiệm nghe. Thống kê trong tháng cho thấy sự gia tăng của việc tiêu thụ các loại loa thông minh với hơn 100 triệu hộ gia đình trên thế giới sở hữu thiết bị này. Một thống kê khác được thực hiện cho thấy số lượng podcast được tạo ra đã cán mốc 1.750.000 với hơn 43 triệu tập podcast. 

Các gói nội dung dạng dài như sách nói ở trên podcast cũng gia tăng. Hiệp hội Xuất bản Âm thanh (The Audio Publishers Association) vừa rồi tuyên bố rằng khoảng 50.000 sách nói đã được thu âm ở Mỹ với mức tăng trưởng doanh số 20% so với cùng kỳ năm 2019. Cuộc khảo sát quốc gia của Edison Research về người nghe sách nói ở Mỹ từ 18 tuổi trở lên cho thấy số lượng sách nói trung bình được nghe mỗi năm tăng lên 8,1 vào năm 2020, tăng từ 6,8 vào năm 2019.

Rõ ràng là mọi người ở khắp mọi nơi đều thích được nghe. Tháng 1 năm 2021, cuộc cách mạng âm thanh kỹ thuật số sẽ bắt đầu bùng nổ. 

Kể từ bây giờ, trong các kế hoạch PR, việc xây dựng thương hiệu bằng âm thanh có thể được đưa vào để cân nhắc. Âm thanh có các tác động vào tâm lý cảm xúc hiệu quả hơn nhiều so với khi ai đó đọc văn bản hoặc nhìn vào logo. Thương hiệu âm thanh sử dụng âm thanh để tạo ra kết nối cảm giác với thương hiệu. Khi người tiêu dùng đang lắng nghe để học hỏi cũng như được giải trí, các nhà tiếp thị thương hiệu đang phát triển những cách thức mới để tạo ra sự kết nối và hiện diện. 

Các sản phẩm truyền thông để xây dựng thương hiệu âm thanh có thể bao gồm các tập âm thanh được dẫn bởi một cá nhân cụ thể, tổng hợp các giọng hoặc sử dụng cả hai, chủ đề hoàn toàn có thể linh hoạt. Khán giả sẽ mong muốn được lắng nghe, được học hỏi hoặc đơn giản là giải trí khi bạn nói về doanh nghiệp của mình, hay mời một chuyên gia về dẫn cùng.

Bạn có thể bắt đầu một podcast cho riêng bạn kể từ hôm nay. Vẫn chưa có quá nhiều người chen chân vào thị trường truyền thông bằng âm thanh này nên đây là khoảng trống để bạn có thể chiếm vị trí thống trị.

Cuộc đua “công thức F1” của các hình thức truyền thông Tết

Tháng 1 là thời kỳ cao điểm để các thương hiệu bước vào cuộc đua truyền thông Tết. Dù nền kinh tế bị chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 vào năm 2020 nhưng các nhãn vẫn rất “chịu chi” vào các sản phẩm truyền thông Tết 2021. Dạo quanh một vòng cuộc đua các chiến dịch Tết tại Việt Nam, có thể nhận thấy một số dòng xu hướng chính.

Các MV âm nhạc với sự kết hợp của các ca sĩ nổi tiếng, lồng ghép sản phẩm và thông điệp vẫn là xu thế. Việc truyền tải bằng âm nhạc khiến thông điệp trở nên “dễ nhớ”, “dễ thấm” hơn trong tâm trí của khán giả. Sự nổi lên của các rap show trong năm vừa rồi đã làm tăng thị hiếu của thị trường nhạc Việt Nam. Cũng vì vậy mà các MV chiến dịch truyền thông Tết 2021 phần đa có sự kết hợp của rap. Điển hình là “Đi về nhà” (Honda), “Thấy Tết lớn, mừng Tết lớn” (Samsung), “Túi ba gang” (Twister), “Ting ting là Tết về” (Momo)… Đáng chú ý, một số thương hiệu vẫn trung thành với một thông điệp qua nhiều năm bao gồm: Biti’s với câu chuyện “đi thật xa để trở về”, Mirinda với câu chuyện “ai chuyện cũ bán không”…

Tiếp nối sự thịnh hành của Tiktok, các chiến dịch truyền Tết 2021 cũng tận dụng nền tảng ứng dụng này. Các chiến dịch PR trên Tiktok cho phép người dùng trong cộng đồng cùng xây dựng nội dung. Đó là những câu chuyện ngày Tết như đi chợ Tết, làm cỗ, dọn dẹp nhà cửa. Về hình thức, các chiến dịch kêu gọi người tham gia thực hiện thử thách nhảy, diễn xuất… hoặc đơn giản là tạo ra các video tùy thích miễn có sử dụng hashtag. Tính đến thời điểm hiện tại, các hashtag liên quan đến Tết đang lọt top trending trên Tiktok bao gồm #TetDzoPUBGm (PUBG Mobile VN) yêu cầu người dùng thực hiện các dance challenge để chiến thắng giải thưởng; #DenTetLaKieu kêu gọi người tham gia miêu tả lại các tình huống “dở khóc dở cười” ngày Tết – tiền bay theo gió, lắng lo trăm bề, nợ dài lê thê… Bà Diệp Quế Anh – Giám đốc truyền thông Việt Nam, Philippines và các thị trường mới nổi tại Đông Nam Á chia sẻ: “TikTok giúp các nhãn hàng kể câu chuyện thương hiệu của mình một cách gần gũi và dễ chinh phục và gắn kết người dùng.”

Hành trình tái định vị thương hiệu đến từ nhà mạng quốc dân

Ra đời từ cách đây 20 năm, thương hiệu Viettel được xem như là “một ông chú tốt bụng, tin cậy”. Giờ đây, “ông chú” đó đang yêu cầu phải có sự thay đổi. Trên thế giới, khi đã phát triển từ 10 – 20 năm, phần lớn các thương hiệu lớn sau đều phải đánh giá lại hoặc có những thay đổi nhất định về nhận diện của mình. Họ sẽ tạo ra một hình ảnh mới, phù hợp hơn trong việc kết nối với tệp khách hàng mà họ đang nhắm tới. Viettel cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ khi nhóm khách hàng mục tiêu hiện tại và trong 10, 20 năm tới của hãng là thế hệ Millennials, GenZ.

Về mặt dịch vụ, Viettel có thêm 3 lĩnh vực: an ninh mạng, sản xuất thiết bị điện tử viễn thông; công nghiệp quốc phòng công nghệ cao bên cạnh lĩnh vực viễn thông truyền thống.

Trong bộ nhận diện mới của mình, Viettel lựa chọn màu đỏ làm màu sắc chủ đạo. Màu đỏ vừa tạo ấn tượng trẻ trung so với màu xanh cũ. Màu đỏ còn tượng trưng cho màu cờ Tổ quốc, thể hiện tình yêu nước và lời hứa cho sứ mệnh tiên phong của tập đoàn. 

Về logo, hai dấu ngoặc kép được lược bỏ, thể hiện sự cộng hưởng, cởi mở, thân thiện hơn. Tuy nhiên, Viettel vẫn giữ lại thông điệp “tôn trọng, lắng nghe, quan tâm” đến khách hàng của logo cũ bằng việc sử dụng khung hội thoại số. Biểu tượng này được cách điệu thành dấu chấm trên đầu chữ “i” (trong chữ “Viettel”).

Mỗi tháng một lần, BetterCre sẽ recap lại chuyển động của thế giới PR, mời quý vị cùng đón đợi những bài viết trong thời gian tới của BetterCre.

close

We’re looking for dreamers