Mỗi một kỳ Olympic diễn ra đều chứng kiến một sự thay đổi lớn lao của một thành phố. Sự thay đổi này là bộ mặt của quốc gia và nâng tầm uy tín quốc tế.

 

Bắc Kinh 2008 và con rồng thức tỉnh Trung Quốc
Mặc dù còn khoảng vài tháng nữa thế vận hội mùa hè 2016 tại Rio, Brazil sẽ diễn ra. Nhưng người ta vẫn còn rất nhiều ấn tượng với Olympic tổ chức tại Bắc Kinh.

Quyền tổ chức Thế vận hội được trao cho Bắc Kinh sau một cuộc bầu chọn hết sức nghiêm ngặt của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) vào ngày 13/7/2001. Chính phủ Trung Quốc đã coi sự kiện này là một cơ hội để làm nổi bật vị thế của Trung Quốc trên thế giới. Và toàn thế giới đã có một Olympic mang đậm “màu sắc Trung Quốc”.

 

Để chuẩn bị cho thế vận hội Trung Quốc đã chuẩn bị 37 công trình tại thủ đô Bắc Kinh trong đó có 12 công trình được xây mới. Sân vận động tổ chim đã trở thành một phần biểu tượng của Bắc Kinh sau sự kiện này. Không chỉ dừng lại ở đó, để đảm bảo cho vấn đề “không khí trong lành” trong những ngày diễn ra sự kiện chính quyền thành phố cũng như chính phủ Trung Quốc đã phải chi khoảng 17,433 tỷ USD. Và công việc chuẩn bị cho thế vận hội 2008 bắt đầu từ năm 2001 cho tới cuối năm 2007. Các hạng mục môi trường theo báo cáo của UNEP (Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc) bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị, kiểm soát các nguồn ô nhiễm, kiểm soát ô nhiễm tại các cơ sở công nghiệp và đầu tư cho năng lực quản lý môi trường. Toàn bộ kinh phí để tổ chức cho hoạt động Olympic của Bắc Kinh tiêu tốn 44 tỷ USD. Sự kiện này cũng chứa đựng thông điệp mà Trung Quốc muốn gửi tới thế giới rằng Trung Quốc đã thực sự thức tỉnh, bước từng bước trở thành một siêu cường.

Trong khoảng thời gian diễn ra thế vận hội, Trung Quốc đón khoảng 6,7 triệu lượt khách du lịch. Đồng thời với việc thâu tóm bản quyền truyền hình thì trong lịch sử Olympic thì đây là kỳ thế vận hội có số người theo dõi kỷ lục 4,7 tỉ người với hơn 500 giờ phát sóng. Và để đưa tin cho sự kiện này Trung Quốc đã phải đón 26,298 nhà báo chính thức và 5980 chuyên viên báo chí. Đây cũng chính một phần nguồn thu trực tiếp đồng thời là sức lan tỏa lớn tới nền kinh tế của Trung Quốc khi tổ chức thế vận hội. Hàng chục tập đoàn đa quốc gia như Coca-Cola, Lenovo, McDonald′s, và Samsung sẵn sàng chi tới 100 triệu USD để trở thành nhà tài trợ chính thức của Olympic Bắc Kinh. 11 tập đoàn khác, trong đó có Volkswagen, Adidas, và Air China, chi tới 50 triệu USD để giành quyền kết nối các chương trình quảng cáo tại Trung Quốc với sự kiện thể thao toàn cầu này. Ngoài ra các công ty như  Great Wall cung cấp rượu vang, hay Guangzhou Liby Enterprise Group cung cấp chất giặt tẩy khăn trải giường, tất, quần soóc và các loại quần áo lại trở thành nhà cung cấp dịch vụ thế vận hội.

Chúng ta có thể thấy, Olympic là một cú hích cả về mặt thương hiệu lẫn kinh tế đối với Trung Quốc. Chỉ trong 20 ngày ngắn ngủi trọng tâm của sự kiện có ít nhất 4,7 tỉ người biết về Bắc Kinh, biết về văn hóa bản sắc Trung Quốc. Chưa nói tới hiệu ứng kinh tế sau Olympic, thì rõ ràng việc truyền thông qua những kỳ Olympic thì thương hiệu của Bắc Kinh đã trở thành một phần không thể thiếu mỗi khi người ta nói về Trung Quốc. Không chỉ dừng lại ở vấn đề hình ảnh Trung Quốc đã trở nên đẹp hơn trong con mắt quốc tế mà Olympic còn giúp Trung Quốc che lấp đi nhiều yếu tố bất lợi như sự ô nhiễm môi trường, hay tự do báo chí, vấn đề Tây Tạng.

 

Như nhận thức của mọi quốc gia, việc đăng cai Olympic hay bất kì một sự kiện thể thao quốc tế nào cũng là một cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh đất nước, thúc đẩy kinh tế, và thu hút khách du lịch. Và Trung Quốc đã tận dụng tốt cơ hội đó để chứng minh cho thế giới thấy tiềm lực của mình về cả kinh tế và văn hóa, đồng thời thể hiện được những hệ giá trị lâu đời của nền văn hóa Trung Hoa.

 

London 2012

Với 4 phiếu chênh lệch (54 – 50), thủ đô của xứ sở sương mù đã đánh bại kinh đô ánh sáng để trở thành chủ nhà của Thế vận hội mùa hè 2012. Với tổng chi phí khoảng 14,8 tỷ USD, cao hơn Olympic Barcelona 1992 (11,4 tỷ USD), Olympic Montreal 1976 (6 tỷ USD). London mong muốn xây lại vùng đất ở phía Đông thủ đô London nay gọi là Công viên Olympic. Vùng này trước năm 2005 bị bỏ hoang, có nhiều nhà xưởng đổ nát không dùng. Đất ở đây từng bị ngấm nhiều dung chất công nghiệp như xăng, dầu, hắc ín, các kim loại nặng như chì v.v…

 

Tháng 1/2007 người ta thành lập Ủy ban Olympic London 2012 Bền vững nhằm đảm bảo Olympic này sẽ là một Olympic thân thiện với môi trường nhất. Mục tiêu chính bao gồm:

– Sử dụng công nghệ ít khí thải carbon để xây dựng Công viên Olympic và các địa điểm thi đấu – Hạn chế rác thải trong các công đoạn của quá trình xây dựng

– Sử dụng các nguồn nguyên liệu sinh thái

– Nâng cao thói quen sống khỏe mạnh

– Phối hợp tốt với người dân sống xung quanh khu vực Công viên Olympic mới

Olympic London sẽ làm thế giới biết tới nước Anh là một đất nước cởi mở, thân thiện kết bạn, năng động và sáng tạo. Các công trình mới xây dựng đều hướng vào trọng tâm phát triển bền vững nhằm làm cho Olympic London thực sự là một Olympic “xanh” nhất trong lịch sử. Olympic 2012 đã đưa London trở thành một “thành phố xanh”.

London đã tiến phá dỡ khoảng 200 nhà xưởng cũ dưới yêu cầu tận dụng 97% phế liệu, sau đấy đào đất lên và làm sạch đất khỏi mọi chất ô nhiễm ; đào những đường ngầm thoát nước ; thiết kế xây dựng các công trình phục vụ Olympic. Đã hoàn tất xây dựng 9 công trình gồm sân vận động có 80 nghìn chỗ ngồi, các nhà thi đấu thể thao dưới nước, đấu bóng rổ, đấu bóng nước, nhà thi đấu bờ sông, nhà thi đấu đa năng v.v… cùng 25 dặm đường đua xe đạp và marathon. Tại đây còn xây dựng nhiều công trình phụ trợ như làng Vận động viên gồm 62 tòa nhà với ngót 3000 căn hộ, các công trình phục vụ giải trí và thương mại. Thí dụ Vòng quay có trụ tháp cao 114m để du khách có thể ngắm toàn cảnh London. Một công trình lớn nữa là Westfield Stratford City, một đô thị mua sắm giải trí lớn, dự kiến mỗi tuần đón 1 triệu khách. Đô thị này gồm 300 gian hàng, các rạp chiếu bóng 17 màn ảnh, một casino lớn nhất Anh Quốc, nhà bowling 14 làn, khách sạn 600 phòng. Riêng dự án Westfield Stratford City tiêu tốn 1,45 tỷ Bảng Anh.

http://clinic2014.demo.clinic.co.uk/blog/wp-content/uploads/2015/07/Crystal_London_2012_Olympic_Stadium_exterior1.jpg

Và lẽ dĩ nhiên cái “được” lớn nhất của Anh là uy tín của nước này đã tăng đáng kể sau Olympic và Paralympic. Những hình ảnh về một đất nước tươi đẹp, về các sự kiện trong khuôn khổ Olympic và nền văn hóa đa dạng và đặc sắc đã được hơn 4,8 tỷ người theo dõi qua truyền hình. Riêng Lễ khai mạc Olympic tối 27/7 đã thu hút khoảng 900 triệu khán giả truyền hình trên khắp thế giới. Sự nhiệt tình và vui tính của 70.000 tình nguyện viên đến từ khắp nơi trên khắp nước Anh chắc chắn cũng đã làm hài lòng và để lại những ấn tượng đẹp trong lòng rất nhiều người, nếu không muốn nói là tất cả, trong số hàng triệu du khách nước ngoài, cũng như gần 24.500 vận động viên và quan chức tham dự Olympic và Paralympic.

 

London có lẽ là thành phố thành công nhất trong lịch sử Olympic. Với ngân sách từ việc xây dựng lại phần phía Đông, London đã thay da đổi thịt. Trong suốt mùa Olympic có 2 triệu du khách tới London và chắc chắn số du khách này sẽ cùng chung ấn tượng tốt đẹp với 4,8 tỷ khán giả theo dõi qua truyền hình về thủ đô Anh Quốc.

 

Kết

 

Mỗi một kỳ Olympic diễn ra đều chứng kiến một sự thay đổi lớn lao của một thành phố. Sự thay đổi này là bộ mặt của quốc gia và nâng tầm uy tín quốc tế. Chính vì vậy rất nhiều quốc gia quyết tâm đăng cai thế vận hội. Và khi quyết định điều này họ sẽ chấp nhận những rủi ro về kinh tế đổi lại những giá trị phi vật chất có được từ thế vận hội.

close

We’re looking for dreamers