Trước khó khăn khi huy động vốn, áp lực doanh thu và tình trạng ảm đạm chung của nền kinh tế, nhiều ngành nghề phải chuyển chiến lược sang hướng “đánh nhanh thắng nhanh” (quick wins), thay vì đầu tư vào truyền thông như một tải sản tích lũy lâu dài. Tuy nhiên ngành Fintech trong giai đoạn kinh tế suy thoái hiện nay có thể tiếp cận truyền thông hoàn toàn khác.

Bài viết xin được lược dịch phần chia sẻ của Giám đốc điều hành của công ty truyền thông Mutant Communications – Joseph Barratt (Singapore) đề xuất một số giải pháp truyền thông cho ngành fintech ở thời kỳ kinh tế khó khăn.

Trong thời kỳ suy thoái, Quan hệ công chúng (PR) thường là khoản chi đầu tiên bị cắt giảm. Đứng trước khó khăn khi huy động vốn, áp lực doanh thu cũng như tình trạng ảm đạm chung của nền kinh tế, đa phần các công ty sẽ chọn chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” – đầu tư vào những mục tiêu ngắn hạn, khả thi trong ngắn hạn, thay vì những chiến lược xây dựng nền tảng dài hạn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay Fintech hoàn toàn có thể ứng xử khác đi với 3 lý do sau:

  • Sự thay đổi hành vi của khách hàng: Trong thời kỳ suy thoái, khách hàng có thể trở nên thận trọng hơn với chi tiêu và tìm kiếm các lựa chọn tài chính phù hợp hơn.
  • Nhu cầu về thông tin minh bạch và đáng tin cậy: Khách hàng sẽ cần nhiều thông tin hơn về các sản phẩm và dịch vụ tài chính để đưa ra quyết định sáng suốt.
  • Tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin: Ngành fintech cần tập trung xây dựng lòng tin với khách hàng thông qua giao tiếp rõ ràng và hiệu quả.

Bất chấp suy thoái, tổng mức đầu tư Fintech tại châu Á đạt mức cao kỷ lục với 50,5 tỷ USD trong năm 2022. Sự gia tăng lợi nhuận không ngừng và làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ giúp các Fintech châu Á hưởng lợi. Mặt khác, từ những đợt suy thoái kinh tế trong quá khứ, chúng ta có thể rút ra rất nhiều bài học về việc không nên cắt giảm chi tiêu cho các hoạt động PR.

Các doanh nghiệp fintech hoàn toàn có thể vượt qua thời kỳ suy thoái kinh tế bằng cách điều chỉnh chiến lược truyền thông để đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng. Cung cấp thông tin minh bạch, tập trung vào giáo dục khách hàng và thể hiện sự đồng cảm là những yếu tố quan trọng để xây dựng lòng tin và duy trì mối quan hệ với khách hàng.

Vậy chiến lược truyền thông hiệu quả cho các Fintech khi nền kinh tế gặp khó khăn là gì?

Dù đối với những công ty lớn, có danh tiếng hay những công ty mới thành lập, truyền thông và PR sẽ vẫn đóng vai trò chủ yếu trong hành trình tạo dựng sức sống lâu bền cho thương hiệu. Bởi suy cho cùng, khách hàng sẽ chọn thương hiệu khi họ biết và ghi nhớ thương hiệu đó.

Tuy nhiên, kinh phí cho PR và truyền thông vẫn luôn là “bài toán” của nhiều công ty, đặc biệt là trong giai đoạn suy thoái. Một số công ty muốn bỏ vốn ít, thu lời nhiều. Một số khác không đủ khả năng chi trả cho những hợp đồng dài hạn. Lời giải cho trường hợp này là các thương hiệu nên hạn chế “đổ tiền” vào các sự kiện và phát hành sản phẩm một cách manh mún. Hãy chú trọng việc kể chuyện thương hiệu trên mạng xã hội, sáng tạo những nội dung có tầm ảnh hưởng và khả năng định hướng, cũng như thiết lập và duy trì mối quan hệ với truyền thông.

Khi các phương tiện truyền thông chính thống ngày càng bị thắt chặt quản lý và ngành tài chính cũng chịu sự chi phối của báo chí truyền thống, nuôi dưỡng quan hệ truyền thông (media relations) trở thành một “quân bài” quan trọng. Ví dụ, tại Singapore, Mediacorp và SPH Media Trust (thuộc tập đoàn Singapore Press Holdings) là hai công ty chi phối toàn bộ ngành truyền thông tại quốc đảo này. Cục diện này cản trở hoạt động truyền thông của các doanh nghiệp. Lời khuyên của chúng tôi trong trường hợp này tương tự với trường hợp đầu tiên – hãy đẩy mạnh nội dung trên các kênh truyền thông số, dù là những nội dung ngắn trên mạng xã hội hay những nội dung dạng long – form trên website hoặc các ứng dụng điện tử.

HitPay – nền tảng xử lý thanh toán không cần mã của Singapore dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã rất xuất sắc trong việc tiếp cận thị trường doanh nghiệp B2B. Dù mở rộng quy mô một cách “thần tốc” với 15.000 khách hàng tại Đông Nam Á, HitPay vẫn tạo được lòng tin vững chắc nhờ chiến lược giao tiếp trực tiếp, “cá nhân hóa” và đa nền tảng. Hitpay tạo ra nội dung hữu ích và phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp bao gồm blog, infographic, video và tài liệu hướng dẫn. Các chiến lược nội dung xoay quanh những lợi ích mà nền tảng cung cấp, bao gồm: sự dễ sử dụng, tính an toàn, chi phí cạnh tranh và hỗ trợ đa ngôn ngữ.

Trên thực tế, những nỗ lực đẩy mạnh truyền thông của các doanh nghiệp ở giai đoạn này là rất “hợp thời”. Công chúng có niềm tin vào doanh nghiệp lớn hơn các nguồn tin khác. Các chiến lược thông tin mà Fintech có thể hướng tới ví dụ như:

  • Cung cấp thông tin minh bạch về các sản phẩm và dịch vụ: Doanh nghiệp fintech cần giải thích rõ ràng các khoản phí, lãi suất và rủi ro liên quan đến các sản phẩm của họ.
  • Tập trung vào giáo dục khách hàng: Cung cấp cho khách hàng thông tin hữu ích về cách quản lý tài chính trong thời kỳ khó khăn.
  • Thể hiện sự đồng cảm và hỗ trợ: Doanh nghiệp fintech cần cho khách hàng thấy họ hiểu được những khó khăn mà họ đang phải đối mặt và sẵn sàng hỗ trợ họ

Một số vấn đề đang “bỏ ngỏ” về AI

  1. Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI)

Khi tôi viết bài này, các cơ quan PR và chuyên gia truyền thông đang vật lộn với những tiến bộ nhanh chóng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). 65% chuyên gia truyền thông dự đoán AI sẽ làm biến đổi ngành PR. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành lại chưa hành động đủ nhanh để tận dụng các cơ hội (58%) hoặc quản lý rủi ro (59%) do AI tạo ra.

Các chuyên gia truyền thông ở cả phía client và agency đều biết AI có thể tạo đột phá nhưng các bên không có nhiều sự đồng thuận về phương hướng sử dụng AI. Điều đáng chú ý là việc sử dụng AI với tư cách là một công cụ tiếp thị và truyền thông thậm chí còn nhạy cảm hơn việc sử dụng AI trong ngành fintech.

2. Rủi ro pháp lý

Bộ tài chính và các nhà làm luật tại các khu vực khác nhau sẽ có những quy định nghiêm ngặt khác nhau về tự do thông tin. Vì vậy, trong truyền thông, dù AI có thể là một công cụ giá trị để phân tích và tạo ý tưởng nhưng cho đến nay vẫn chưa có sản phẩm truyền thông nào được phát hành mà chứng minh được tác dụng của chúng đối với các chiến dịch truyền thông ngành tài chính.

Điều rõ ràng hơn cả là việc sắp xếp các ý tưởng hấp dẫn và kiến thức hữu ích được truyền tải một cách độc đáo, hấp dẫn sẽ khiến độc giả quan tâm. Tôi cho rằng, thế giới truyền thông đang thay đổi nhanh chóng và rủi ro rất cao nhưng cũng có nhiều cơ hội cho những người sẵn sàng nắm bắt chúng.

—–

Về Beon PR Firm & Agency:

Beon là Local PR Agency cung cấp dịch vụ Truyền thông và Thương hiệu đồng hành cùng các tổ chức và doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững. Quý vị có nhu cầu tư vấn, chia sẻ câu chuyện của đơn vị mình vui lòng liên hệ [email protected]

close