Tính chân thực vừa là kim chỉ nam cho những nhà truyền thông vừa là yếu tố tạo ra lợi thế cạnh tranh. Dù trải qua nhiều xu hướng nhưng giá trị chân thực vẫn chưa bao giờ mất đi vị thế cạnh tranh trong ngành PR.

Cuối năm 2023, từ điển Merriam – Webster (Hoa Kỳ) đã lựa chọn từ khóa thịnh hành của năm là “authentic” – tạm dịch là “chân thực”. Nhưng đối với những nhân sự ngành quan hệ công chúng, “tính chân thực” không chỉ là một khái niệm mà từ lâu đã được coi như tiêu chuẩn trong công việc, là một yếu tố tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Thật khó để câu chữ mỹ miều và những ấn phẩm bóng bẩy có thể “giữ chân” được công chúng dài lâu. Trong thế giới hiện đại, người tiêu dùng ngày một yêu cầu các thương hiệu có sự giao tiếp đa chiều cởi mở, hành nghề có đạo đức và cũng cấp góc những góc nhìn chân thực hơn (behind the scene) về bản thân thương hiệu. Theo Báo cáo Thang đo độ tin cậy năm 2023 của Edelman Trust Barometer (một trong những công ty quan hệ công chúng lớn nhất thế giới), có tới 63% người tiêu dùng quyết định mua hàng hoặc ủng hộ các thương hiệu khi hệ giá trị mà thương hiệu cam kết phù hợp với tư tưởng của họ.

Muốn vậy, thương hiệu cần nỗ lực khẳng định tính chân thực và minh bạch bằng cách tạo ra sự khác biệt so với đối thủ, thể hiện trách nhiệm xã hội và cho thấy năng lực ứng phó với những cuộc khủng hoảng đang ngày một gia tăng.

Tính chân thực phải là trọng tâm trong các hoạt động quan hệ công chúng

Để thấy rõ tính chân thực nằm ở trung tâm của các hoạt động PR, cần nhìn trên 3 phương diện:

Tính chân là nền tảng để xây dựng lòng tin người tiêu dùng: Người tiêu dùng không chỉ mua sản phẩm hay dịch vụ, mà họ còn đặt kỳ vọng vào giá trị và trách nhiệm xã hội của thương hiệu mình chọn. Những thương hiệu tôn trọng tính chân thực thường tạo được uy tín với công chúng, xây dựng được cộng đồng người ủng hộ chân thành, đặc biệt trong bối cảnh truyền thông không ngừng biến hóa như hiện nay.

Tính chân thực tác động đến danh tiếng thương hiệu: Tính chân thực ở đây phải được hiểu là sự đồng bộ giữa lời nói và hành động. Người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ khoảng cách giữa nói và làm – không ít công ty chỉ hứa hẹn chứ không thực hiện được.

Sự thiếu nhất quán này bào mòn niềm tin và làm tổn thương danh tiếng thương hiệu – một tài sản vô hình, “mong manh” nhưng vô cùng quý giá trong thời đại mà người tiêu dùng trở nên khôn ngoan hơn bao giờ hết. Đảm bảo tính chân thực bằng cách “nói đi đôi với làm” là chìa khóa để củng cố và bảo vệ danh tiếng thương hiệu.

Tính chân thực là thành tố quan trọng trong quản lý khủng hoảng: Khi khủng hoảng xảy ra, sự thành thực là điều quan trọng nhất. Công ty cần ưu tiên giao tiếp cởi mở và trung thực, thừa nhận sai lầm và thể hiện cam kết sửa chữa. Truyền thông rõ ràng, thành thực trong khủng hoảng không chỉ giúp kiểm soát tình hình mà còn giữ được niềm tin của công chúng và ngăn chặn những diễn biến khó vãn hồi cho danh tiếng thương hiệu.

Xây dựng hoạt động PR ra sao để thúc đẩy tính chân thực thương hiệu

Các chuyên gia quan hệ công chúng và chiến lược truyền thông có nhiệm vụ xây dựng nhận thức về thương hiệu, quản lý danh tiếng thương hiệu và củng cố giá trị thương hiệu. Trong bài viết này, hãy cùng thử xem xét một vài cách hiệu quả nhất mà các nhóm PR và truyền thông trên toàn cầu đã và đang thực hiện nhằm “tôn trọng tính chân thực” và mang lại những tác động đầy giá trị tới những thương hiệu.

Tận dụng sức mạnh của story-telling: Một trong những cách hay nhất để khẳng định tính chân thực chính là kể chuyện – một kỹ thuật nền tảng của ngành quan hệ công chúng. Có 4 hướng kể chuyển sau:

  • Câu chuyện có thể “cá nhân hoá” sẽ giúp thương hiệu gắn kết với công chúng về mặt cảm xúc.
  • Câu chuyện về lãnh đạo, nhân viên hay khách hàng đã từng sử dụng thương hiệu, đều là những mảnh ghép thể hiện giá trị của thương hiệu một cách trực quan và tính tế nhất.
  • Kể chuyện về hành trình đã qua của thương hiệu, những thách thức và thành tựu của thương hiệu sẽ giúp thương hiệu trở nên gần gũi và truyền cảm hứng.
  • Chia sẻ câu chuyện “phía sau hậu trường” là một chiến lược hiệu quả để giúp khán giả hiểu rõ hơn về thương hiệu, tạo ra sự minh bạch và uy tín.

Củng cố mối quan hệ với truyền thông: Trong PR, việc xây dựng mối quan hệ tích cực với kênh truyền thông là không thể thiếu. Giao tiếp một cách chân thành là chìa khóa để xây dựng niềm tin và uy tín với các nhà báo – nhóm đối tượng ưu tiên việc cung cấp thông tin chính xác và đáng tin cậy đến công chúng (theo Báo cáo Tình hình Truyền thông năm 2023).

Nguyên tắc cốt lõi là hãy minh bạch và trung thực với các nhà báo về lý do bạn liên hệ với họ.

Người làm quan hệ công chúng cũng nên nghiên cứu kỹ thương hiệu trước khi tiếp cận nhà báo để đảm bảo câu chuyện bạn đề xuất có tính liên quan và ý nghĩa đối với tệp công chúng của tòa soạn. Ngoài ra, các người làm thương hiệu cần sẵn sàng giải đáp những câu hỏi để cánh báo giới có thông tin cập nhật cho công chúng một cách kịp thời.

Những chiến lược này sẽ giúp xây dựng uy tín và chứng minh bạn là một nguồn đáng tin, đảm bảo chất lượng và số lượng thông tin.

Chọn lựa người nổi tiếng/influencer một cách cẩn thận: Hợp tác với người có tầm ảnh hưởng ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng trong chiến lược quảng bá thương hiệu. Báo cáo Truyền thông Toàn cầu 2024 cho biết, 45% các “ông lớn” trong ngành truyền thông khẳng định mình sẽ tận dụng chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ” nhiều hỡn nữa trong những năm tới.

Tuy nhiên, việc chọn lựa đối tác rất quan trọng. Hãy lựa chọn cẩn thận và tìm kiếm đối tác có sứ mệnh và giá trị phù hợp với thương hiệu của bạn. Hoạt động hợp tác cần phải đồng bộ với hoạt động của thương hiệu và phải chân thành, minh bạch với công chúng của người có tầm ảnh hưởng.

Cũng theo báo cáo Truyền thông Toàn cầu 2024, các chuyên gia truyền thông và quan hệ công chúng nhận thấy tiềm năng ngày một tăng khi hợp tác với những nhân vật có độ nổi tiếng nhỏ hoặc thậm chí chưa từng được biết đến trước đó. Do vậy, đừng chỉ tập trung vào những KOL, Influencer tiếng tăm.

Tuyên bố của Merriam-Webster về “authentic” là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng vững chắc của tính chân thực trong quan hệ công chúng và truyền thông. Đối với những người trong nghề như chúng ta, tính chân thực không chỉ là phẩm chất cần có mà còn là một yếu tố mang tính chiến lược.


Về Beon PR Firm & Agency Beon là Local PR Agency cung cấp dịch vụ Truyền thông và Thương hiệu đồng hành cùng các tổ chức và doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững. Quý vị có nhu cầu tư vấn, chia sẻ câu chuyện của đơn vị mình vui lòng liên hệ [email protected]

close