Blog

Câu chuyện của Đà Nẵng – “Insight” Đà Nẵng

By 06/06/2016 December 10th, 2019 No Comments

Một câu chuyện, một quan điểm, một cái nhìn từ chính một người con đến từ Quảng Nam, Đà Nẵng về những nét đáng yêu và hấp dẫn góp phần tạo nên thương hiệu của thành phố này!

Ở Đà Nẵng, tôi thường xuyên đón tiếp bạn bè từ nhiều nơi trên khắp đất nước. Những người bạn lần đầu ao ước được đến và trải nghiệm cảm giác ở một thành phố “đáng sống”, rồi những lượt háo hức được trở lại trong y nguyên cảm giác ban đầu. Bạn bè lại giới thiệu bạn bè, tôi có khi được tiếp đón “mệt nghỉ”. Những người đã đến một lần, đều có ý nguyện được đến nhiều lần nữa. Thành phố “đáng sống”, nhiều khi rất khác với thành phố “đáng để đến và trở lại”.

Trong hiểu biết giản đơn của mình, tôi nghĩ có 3 kiểu du lịch cơ bản, được chia theo mục đích của du khách: du lịch khám phá cảnh quan, văn hóa, ẩm thực; nghỉ dưỡng và một loại mới nổi gần đây, thu hút các bạn trẻ gọi là “phượt”. Các bạn “phượt” thường đi du lịch bằng xe máy, tự tổ chức, tự khám phá các vùng đất mới mẻ, ít người biết đến hơn là những khu du lịch nổi tiếng, những thành phố lớn. Đương nhiên Đà Nẵng không phải là thành phố phượt “trong mơ”.

Đà Nẵng là thành phố du lịch vì thu hút hai kiểu du khách còn lại. Người ta đã nói nhiều đến Đà Nẵng như một thành phố được đất trời ưu ái, một đô thị hữu tình, gần gũi thiên nhiên với núi một bên, sông một bề, biển cả một phương. Vùng địa lý đa dạng đưa đến sản vật dồi dào, cũng là lý do tạo nên một nền ẩm thực phong phú, đặc sắc. Bằng những sản vật của núi, sông, biển, ẩm thực… Đà Nẵng kết hợp chất đậm đà của đất Quảng với vị cay nồng, tinh tế của ẩm thực cố đô thực sự đáng để khám phá cho kì hết. Các món đậm chất Quảng như mì Quảng, bánh xèo, bánh canh, nem lụi, bánh tráng thịt heo… đến các loại bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc… gốc Huế luôn khiến cho bạn bè tôi vì thèm mà nhắc nhớ mãi. Văn hóa “ăn nhậu” của dân Đà Nẵng khiến cho du khách vừa tò mò, thắc mắc lại vừa bị cuốn hút. Các món cực rẻ được nấu khéo léo, đậm vị trong các quán nhậu bình dân dày đặc ở Đà Nẵng hấp dẫn đến nổi cả dân Đà Nẵng cũng không thể cưỡng lại thì đừng nói chi du khách thập phương. Nếu bia hơi là một điểm đặc biệt trong đời sống người Hà Nội thì các quán nhậu bình dân cùng phong cách uống bia độc đáo của người Đà Nẵng sẽ khiến du khách được tham dự một lần là còn nhớ mãi, hoặc ám ảnh mãi. Ly bia Đà Nẵng chỉ bằng một nửa cốc bia hơi Hà Nội, người Đà Nẵng uống bia phải có đá lạnh và cứ “dzô” là phải cố mà hết “trăm phần trăm”. Nhiều anh bạn tôi vào bảo đi nhậu với người Đà Nẵng, thấy vui hết mình, vui tới bến nhưng cũng le lưỡi, lắc đầu vì bị đốc thúc đến ngoắc ngoải.

Nhiều bạn nữ không thích nhậu lại bị mê mẩn cái không khí của cà phê cóc Đà Nẵng. Đó xem như là một nét văn hóa đặc trưng cùng với trà đá Hà Nội và cà phê bệt Sài Gòn. Bàn nhỏ, ghế nhỏ, nửa ngồi trong quán, nửa ra vỉa hè, ngồi tụm năm tụm bảy đọc báo, nói chuyện hay nhiều khi là dò hay bóc, cào vé số. Đi đâu cũng thấy cà phê cóc. Người đến quán lâu ngày đều thành bạn bè, trao đổi, nói chuyện rồi thân nhau, rồi rủ nhau đi…nhậu. Có nhiều quán cà phê cóc như “chợ vỡ” vì người ngồi chen chúc, không lúc nào ngớt tiếng nói chuyện, cười đùa. Đà Nẵng, Việt Nam hay thế giới đang xảy ra chuyện gì, chỉ đến ngồi cà phê cóc khoảng nửa tiếng là biết tất tần tật. Cà phê Long ở Đà Nẵng là ví dụ điển hình. Không gian của Long lạ lắm! Chẳng biết có bao nhiêu người chen chúc trong cái quán chừng 60m2. Người nọ chen chúc người kia, bàn này chen chúc bàn kia đến nỗi chẳng còn lối đi. Ai từng hướng trọn vẹn cảm giác chen chúc ở cà phê Đinh nơi phố cổ Hà Nội, cũng khó lòng tưởng tượng được mật độ người ngồi ở Long. Nếu văn hoá cà phê ở Vienna đã trở thành một Di sản văn hoá của nhân loại, khi người ta coi quán cà phê như những phòng sinh hoạt cộng đồng, không chỉ uống cà phê mà còn nói chuyện, đọc báo .v.v thì cà phê “cóc” ở Đà Nẵng cũng là một nét văn hoá thực sự thú vị.

Nhìn bề ngoài, Đà Nẵng thực ra chỉ có chừng đó thôi, chỉ có thiên nhiên và ẩm thực, chỉ có vài cây cầu mà Đà Nẵng muốn giới thiệu như biểu tượng của mình đối với những du khách ham thích khám phá và các khu nghỉ dưỡng cao cấp dành cho du khách muốn đến nghỉ dưỡng, ăn uống, tắm biển… Tôi tự hỏi, điều gì khiến nhiều người muốn trở lại Đà Nẵng đến thế, khi mà cảnh quan, ẩm thực là những điều vốn khó lòng níu chân con người? Trong sự chọn lựa của mình, sẽ thú vị hơn nếu bạn đến nhiều nơi khác để khám phá những cảnh quan mới, trải nghiệm những món ăn mới vì vùng đất mới nào cũng hấp dẫn.

Thành phố trẻ, không có mấy những địa danh văn hóa, những nơi bạn có thể đến để khám phá lịch sử, con người, thiếu bề dày, thiếu chiều sâu nhưng trọn vẹn tình người. Văn hóa Đà Nẵng nằm trong bầu không khí trong lành hiếm có của thành đô, trong từng hơi thở, cách đi đứng, nói cười của người Đà Nẵng.

Bạn tôi bảo muốn trở lại để được hưởng trọn vẹn cái bầu không khí dễ chịu của Đà Nẵng. Cũng thèm ăn món này, món kia đấy, cũng muốn được đi biển, đi dạo đường Bạch Đằng dọc sông, muốn đi uống cà phê đấy nhưng thực những điều đó cũng chẳng quan trọng mấy. Bạn tôi muốn trở lại cái nơi mà người đi đi ngoài đường, suýt đụng xe nhau mà nhìn nhau cười hì hì. Đó là cái nơi mà một người phụ nữ bán ốc dạo xa lạ dọc bờ biển nói với bạn rằng: “Ngày mai anh có đi tắm biển ở chỗ ni nữa không, nếu có thì mai anh trả tiền cho tui cũng được” khi bạn đi tắm biển, thèm ăn ốc mà quên mất mình để ví trên khách sạn cách khoảng trăm bước chân. Đó là nơi mà anh tài xế taxi bảo bạn: “Thôi ri, chừ chú xuống xe đi, chú đi bộ vòng qua cái tòa nhà ni nè, là thấy bên tay trái có quán cơm ngon mà rẻ” khi bạn lên taxi và bảo anh tài xế chở đến chỗ nào ăn cơm ngon ngon. Đó là nơi mà một bà chị bán nước mía chẳng quen biết gọi với ra: “Đi tới một tí nữa là có tiệm sửa xe đó, cái nhà tôn á, cứ gọi cửa là họ mở cho” khi bạn lỡ bị thủng lốp xe, đang dắt xe hộc hơi giữa đêm khuya và hú hồn, đúng thật là anh sửa xe mắt nhắm mắt mở, ngáp lên ngáp xuống, lò dò tỉnh dậy vá xe cho bạn.

Tôi nhận ra rằng, ở bất cứ vùng đất nào, người ta đi du lịch là vì muốn tìm một cảm giác bình an, vui vẻ chứ không ai muốn rước cái bực dọc vào người. Và điều đó luôn được tạo ra bởi con người. Dạo gần đây, Đà Nẵng bắt đầu có nhiều dấu hiệu đổi khác, không giữ được nguyên vẹn cái vẻ đẹp của tình người như trước. Điều đó không có nghĩa là Đà Nẵng đã mất đi nét hấp dẫn, chỉ là nó đang bị đe dọa bởi kinh tế, đô thị hóa và dân nhập cư. Nếu không tỉnh táo gìn giữ tâm hồn của mình, Đà Nẵng sẽ chỉ là một thành phố hời hợt, mất đi cái thực sự làm nên nét đáng yêu của mình.

Nếu bạn lo xa, hãy đến Đà Nẵng trước khi quá muộn.

Bài viết trích từ tạp chí Make It Noise số 04. Make It Noise (MIN) là bản tin chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng về PR/Marketing được thực hiện bởi BetterCre Agency sản xuất và phân phối miễn phí hàng tháng qua các môi trường trực tuyến.

Xem đầy đủ các số MIN tại: https://beongroup.vn/category/make-it-noise/ 

close